Chúng tôi xuất phát tại Hà Nội lúc 9 giờ, đi dọc theo quốc lộ 2 qua thành phố Việt Trì, thành phố Tuyên Quang. Cảnh sắc trên đường không có gì đặc biệt nên mấy anh em trong đoàn thống nhất không dừng nghỉ quá nhiều để kịp đến thành phố Hà Giang trước khi trời tối.
Chạm tay vào cột mốc số 0 nghỉ lại 1 đêm sáng sớm hôm sau xe lăn bánh tới Đồng Văn.
Từ thành phố Hà Giang đến Minh Ngọc (huyện Bắc Mê) rồi tới Du Già (huyện Yên Minh) dài khoảng 73 km là con đường đèo chạy quanh những ngọn núi. Con đường như sợi chỉ mảnh vắt ngang núi. Đường như sợi chỉ mảnh vắt ngang những dải quanh co quanh núi giữa lưng chừng trời. Những thửa ruộng bậc thang khoảng xanh khoảng vàng đan xen nhau của đồng bào người Mông như những nấc thang bắc lên Trời. Nắng Xuân hôm đó làm bức tranh miền sơn cước có hình có khối hơn, sinh động hơn. Xuân về Du Già như khoác trên mình chiếc sắc màu sống động hơn bao giờ hết: Sắc thắm của hoa đào, trắng tinh khôi của hoa mận, sắc vàng của hoa cải đua nhau cùng lớp lớp thực vật bao phủ kín núi đá vôi. Bản làng nằm đâu đó phía thung lũng kia, tất cả tạo thành một khung cảnh bình yên tới lạ. Con đường thiên lý ấy dẫn chúng tôi như tới một thiên đường có thật dưới mặt đất.
Xe bon bon chạy trên đường, xe qua những con dốc lên dốc xuống, xe băng đèo, xe qua sỏi đá cộc cằn… phải ngưỡng mộ Anh phóng viên của đoàn điều khiển vô lăng rất nhịp nhàng và chuẩn xác tới từng cm . Con đường chỉ đỏ ấy gập ghềnh lúc lên lúc xuống mà lại còn combo cua tay áo nguy hiểm liên tục. Những con đường ngoằn ngoèo núi đồi, một bên là núi, một bên là vực sâu thăm thẳm. Chỉ sơ sẩy tý là về thiên thu ngay. Nhưng cứ qua mỗi khúc cua là núi đồi lại mở ra, cảnh đẹp hút hồn mở ra khiến ta mê đắm.
Dọc đường, tôi bắt gặp những đứa nhỏ vùng cao với đôi mắt trong veo, ánh nhìn hồn nhiên và nở nụ cười ấm áp như ánh nắng mùa thu. Hay những người dân tộc sống trên miền đá trong trang phục truyền thống đủ màu sắc đang cặm cụi, cần mẫn làm việc. Tôi vừa đi vừa đắm mình nơi hồn đá , những dãy núi nhấp nhô trùng điệp như tạo thành bản hùng ca mang tên Cao Nguyên Đá. Những thửa ruộng bậc thang như bức tranh với gam màu nâu đậm nhạt xen thêm màu xanh của cây. Đá tai mèo lởm chởm là hình ảnh đặc trưng của Hà Giang, trên những phiến đá khô cằn ấy vẫn mọc lên những loài cây với sức sống mãnh liệt. Hàng thông chạy thành hàng tăm tắp dọc sườn đồi. Cảnh vật cứ thế tạc ghi vào tâm trí tôi. Rồi dốc Thẩm Mã cũng đã hiện ra trước mắt – con đường đèo với 9 khúc uốn lượn nằm trên quốc lộ 4C – lúc xế chiều. Dốc Thẩm Mã có nghĩa đen là con dốc dùng để thẩm định sức ngựa. Tương truyền rằng, xưa kia chính tại con dốc này người ta cho ngựa thồ hàng từ dưới chân dốc lên, con ngựa nào mà lên đến đỉnh vẫn còn khỏe là con ngựa tốt thì người dân giữ lại nuôi. Hai bên đường lúc này có rất nhiều bé trai, gái người Mông đeo gùi đủ các loại hoa mùa Xuân của núi rừng tươi cười xúm xít chụp ảnh cùng chúng tôi. Lựa chỗ ngồi ở điểm cao nhất đủ để phóng tầm mắt xuống chiêm ngưỡng con dốc “huyền thoại” Thẩm Mã, hay anh Phóng viên trong đoàn gọi là cung đường chữ M, vừa tranh thủ săn những bức ảnh ở “Thẩm Mã mùa Xuân” tôi vừa đặt luôn tên bức tranh mình vừa chụp được “CUNG ĐƯỜNG MÙA XUÂN”
Dư vị lúc xế chiều là dư vị đọng lại của nơi núi non đèo cao vừa hùng vĩ vừa nên thơ, cùng tình cảm ấm áp , thân thiện gần gũi của người Mông nơi đây.
Đường lên Đồng Văn là con đường ngập sắc hồng của hoa đào, Hoa gạo. Tháng 3 những cây đào còn sót lại những nụ hoa hồng phai. Người ta bảo, những thứ sắp tàn thường mang một vẻ đẹp xao xuyến, nao lòng, hoa đào cũng vậy, sắc hoa như làm say lòng bước chân lữ khách. Còn gì bằng khi được hòa mình vào mùa hoa đào nơi cao nguyên đá Hà Giang – nơi địa đầu tổ quốc.
Cung đường đi Hà Giang qua Du Già – Mậu Duệ là cung đường hiểm trở nhất Hà Giang và cũng là cung đường “gây thương nhớ” nhất trong tôi.
KIM CHUNG