Khó nhớ 12 số căn cước công dân gắn chip thì đây là cách dễ nhớ khiến bạn đọc ‘vanh vách’
12 số trên thẻ Căn cước công dân (CCCD) là số định danh cá nhân. Nếu biết được ý nghĩa của các số này bạn sẽ thuộc trong tích tắc.
Căn cước công dân gắn chip là gì?
Khoản 1 Điều 3 Luật Căn cước công dân 2014 quy định cụ thể về căn cước công dân như sau: “Căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân theo quy định của Luật này”.
Theo đó, căn cước công dân có gắn chip là căn cước công dân nhưng được gắn thêm một mã QR nằm ở góc trên mặt trước của thẻ và con chip ở mặt sau thẻ. Hai thành phần này giúp thẻ căn cước công dân có thể tích hợp thêm các thông tin cá nhân như: Hộ khẩu, bảo hiểm, bằng lái xe, số chứng minh nhân dân cũ…; mã hóa các dữ liệu cá nhân cơ bản như họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, đặc điểm nhận dạng.
Như vậy, căn cước công dân có gắn chip chính là thẻ căn cước công dân phiên bản tối ưu hơn, hiện đại hơn với nhiều tiện ích vượt trội hơn, tạo điều kiện thuận tiện cho công dân thực hiện các giao dịch hành chính, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý của Chính phủ.
Ý nghĩa và cách ghi nhớ 12 số trên thẻ căn cước công dân
12 số trên thẻ Căn cước công dân (CCCD) là số định danh cá nhân. Có thể bạn sẽ nghĩ đây là những chữ số ngẫu nhiên tuy nhiên chúng là 12 số có quy tắc được quy định trên Điều 13 của Nghị định 137/2015/NĐ-CP.
Vì vậy để ghi nhớ chúng thì bạn chỉ cần nắm được ý nghĩa của 12 số trên CCCD là hoàn toàn có thể nhớ chúng mà không tốn quá nhiều thời gian.
Tại Điều 7 Thông tư 07/2016/TT-BCA hướng dẫn về ý nghĩa của từng chữ số này như sau:
– 03 chữ số đầu tiên là mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh.
– 01 chữ số tiếp theo là mã giới tính của công dân.
– 02 chữ số tiếp theo là mã năm sinh của công dân
– 6 chữ số cuối là khoảng số ngẫu nhiên.


Trong đó: Mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi công dân khai sinh có các mã từ 001 đến 0096 tương ứng với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Công dân khai sinh ở Hà Nội có mã 001, Hải Phòng có mã 031, Đà Nẵng có mã 048, TP.HCM có mã 079…


Mã giới tính:
– Mã thế kỷ và mã giới tính được quy ước như sau:
+ Thế kỷ 20 (từ năm 1900 đến hết năm 1999): Nam 0, nữ 1;
+ Thế kỷ 21 (từ năm 2000 đến hết năm 2099): Nam 2, nữ 3;
+ Thế kỷ 22 (từ năm 2100 đến hết năm 2199): Nam 4, nữ 5;
+ Thế kỷ 23 (từ năm 2200 đến hết năm 2299): Nam 6, nữ 7;
+ Thế kỷ 24 (từ năm 2300 đến hết năm 2399): Nam 8, nữ 9.
Mã năm sinh:
2 số cuối năm sinh của công dân sẽ là mã năm sinh.
Ví dụ:
Số căn cước công dân của bạn là: 001198000478 thì:
– 001 là mã của Thành phố Hà Nội
– 1 thể hiện giới tính Nữ, sinh ở thế kỷ 20
– 98 thể hiện công dân sinh năm 1998
– 000478 là dãy số ngẫu nhiên.
Như vậy, khi hiểu ý nghĩa của 12 số trên CCCD gắn chip, bạn sẽ dễ dàng nhớ được dãy số này. Với cách này, khi tiếp cận với CCCD của người lạ bạn có thể biết được người đó sinh ở đâu, sinh năm bao nhiêu.
Những nguy hiểm khi đã có CCCD gắn chip vẫn sử dụng CMND cũ
Công dân đã có CCCD gắn chip nhưng vẫn sử dụng CMND cũ sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro và bị phạt hành chính.
Theo quy định hiện hành, khi công dân được cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chip mới, CMND/CCCD cũ sẽ hết giá trị sử dụng.
Tuy nhiên trên thực tế, khi đã có CCCD gắn chip, nhiều người dân vẫn còn giữ CMND, CCCD cũ do không giao nộp hoặc cán bộ làm thủ tục chưa thu lại… Điều này khiến một số người có cùng lúc hai loại giấy tờ chứng minh nhân thân là CCCD gắn chip mới làm và CMND/CCCD cũ.
Khi CMND/CCCD cũ đã hết giá trị sử dụng, nếu người dân vẫn sử dụng giấy tờ này để tham gia các hợp đồng, giao dịch hoặc thực hiện thủ tục hành chính thì rất có thể sẽ gặp phải rủi ro pháp lý về sau.
Một số rủi ro khi đã có CCCD gắn chip vẫn sử dụng CMND cũ như: Sự sai khác về thông tin do dùng CMND/CCCD đã hết giá trị sử dụng khiến nhiều giấy tờ, thủ tục, hợp đồng… không có giá trị pháp lý; hoặc một văn bản thỏa thuận không được công nhận do một bên sử dụng CMND/CCCD hết hạn…

Khi công dân đã có CCCD gắn chip thì CMND cũ sẽ hết giá trị sử dụng.
Ngoài nhiều rủi ro, khi đã có CCCD gắn chip mà công dân vẫn cố tình sử dụng CMND cũ khi thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính thì có thể bị phạt hành chính vì lỗi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định 144 năm 2022, mức phạt đối với vi phạm này là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 – 500.000 đồng.
Bởi vậy, để tránh các rủi ro và nguy cơ bị xử phạt vi phạm hành chính, khi đã làm CCCD gắn chip mới, người dân chỉ nên dùng duy nhất thẻ CCCD này trong tất cả các giao dịch, thủ tục để đảm bảo thống nhất thông tin.
Thẻ CCCD gắn chip đã tích hợp tất cả thông tin về nhân thân, cũng như số CMND cũ nên người dân có thể hoàn toàn yên tâm khi sử dụng.