Thủ tướng Phạm Minh Chính thông tin tại chương trình đối thoại với công nhân lao động, sáng nay 12-6, Chính phủ đã ban hành nghị định tăng 6% lương tối thiểu vùng ngay từ đầu tháng 7 tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với công nhân sáng 12-6
Mở đầu cuộc đối thoại với 4.500 công nhân lao động sáng nay, 12-6, từ tỉnh Bắc Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính thông tin, ngay trong sáng nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định 38 của Chính phủ về điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo nguyện vọng của công nhân lao động trên cả nước.
Theo đó, kể từ ngày 1-7, mức lương tối thiểu vùng sẽ được tăng thêm 6% so với mức lương hiện tại theo mức mà Hội đồng Tiền lương quốc gia đề xuất.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu mở đầu cuộc đối thoại
Phát biểu tại buổi đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn của công nhân lao động, của nhân dân. Thông qua đối thoại trên tinh thần thẳng thắn, chân thành và mang tính xây dựng là dịp để cùng lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ và cùng thấy trách nhiệm với nhau để cùng tìm ra giải pháp tốt nhất, giải quyết được tâm tư nguyện vọng của công nhân lao động.
Tại điểm cầu TPHCM, công nhân Nguyễn Thúy Hà, sinh năm 1982, thuộc Hợp tác xã Mây tre lá Ba Nhất nêu thực trạng chính sách bảo hiểm xã hội đang bất cập, người lao động phải đóng với thời gian dài mới được hưởng lương hưu, còn các doanh nghiệp thì tìm cách chấm dứt hợp đồng lao động khi họ mới 40-45 tuổi.
Được Thủ tướng chỉ định trả lời, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, hiện thị trường có khoảng 50 triệu lao động, trong đó có 20 triệu người lao động có giao kết hợp đồng nhưng chỉ khoảng 16 triệu lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời các câu hỏi của công nhân lao động
Để tháo gỡ bất cập này, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH cho rằng đầu tiên phải nâng cao đời sống và thu nhập cho công nhân lao động.
Về việc sửa Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ đã giao Bộ LĐTB-XH hoàn thiện 11 nhóm chính sách và năm 2023 sẽ trình ra Quốc hội.
“Bộ LĐTB-XH đề xuất giảm dần thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Dự thảo sẽ rút còn 15 năm và tiến tới có thể chỉ 10 năm đóng bảo hiểm xã hội” – ông Đào Ngọc Dung khẳng định “tinh thần là sẽ đóng ngắn hưởng ngắn, đóng nhiều hưởng nhiều”.
Các điểm cầu tham gia đối thoại với Thủ tướng qua kênh trực tuyến
Bên cạnh đó, cần phải có cơ chế chính sách để khuyến khích người tham gia bảo hiểm xã hội dài hơn. Bộ LĐTB-XH đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng công nhân khó khăn để ép công nhân mua bán sổ bảo hiểm xã hội.
Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH khẳng định tới thời điểm này tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần đã giảm so với quý 1.
Về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, chúng ta đã xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội, có những nội dung bám sát thực tế nhưng cũng có những nội dung chưa sát thực tế.
Thủ tướng đề nghị sửa luật và các chính sách liên quan để phù hợp tình hình thực tế, đồng thời phù hợp hoàn cảnh của đất nước và để đảm bảo quyền lợi của người lao động.
“Những gì luật pháp chưa có quy định thì phải kịp thời bổ sung, hoàn thiện” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Kim Chung (TH)