Giá dầu hôm nay giảm mạnh trong bối cảnh thị trường ghi nhận khả năng dầu thô Nga vẫn sẽ được đảm bảo tiếp tục được giao dịch với một số điều kiện khi các lệnh cấm vận, trừng phạt của G7 có hiệu lực.
Cụ thể, theo một số nguồn tin từ G7, về mặt quy tắc, nếu dầu thô Nga vẫn đang ở trên biển, giá dầu phải được bán ở mức trần hoặc thấp hơn. Quy tắc này áp dụng cho cả trường hợp bán lại dầu.
“Sau khi đã dỡ hàng, dầu có thể được bán theo giá thị trường. Miễn không chở dầu qua đường biển một lần nữa, thì chúng tôi sẽ không xem đấy là dầu ‘nhập khẩu qua đường biển’ của Nga nữa”, nguồn tin cho biết.
Như vậy, nếu doanh nghiệp sử dụng tàu để vận chuyển dầu Nga đi nơi khác, giá bán dầu sẽ bị giới hạn trở lại, trừ khi dầu thô đã được tinh chế thành những sản phẩm khác.
Được biết, mục tiêu của kế hoạch áp Trần giá dầu Nga là để đảm bảo doanh thu dầu thô của Moscow quay trở lại mức trước khi nổ ra cuộc xung đột Nga – Ukraine, đồng thời đảm bảo dầu thô Nga tiếp tục có mặt trên thị trường để tránh tình trạng bùng nổ giá.
Giá dầu giảm mạnh còn do lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu sụt giảm khi các ngân hàng trung ương, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn, quyết định tăng mạnh lãi suất có thể đẩy kinh tế toàn cầu sớm rơi vào tình trạng suy thoái.
Ngoài ra, đồng USD phục hồi nhẹ cũng khiến giá dầu thô đi xuống.
Trước đó, chuyên gia trưởng của bộ phận Chiến lược Hàng hóa của ngân hàng ING, cho biết triển vọng vĩ mô ngày càng ảm đạm và thị trường dầu mỏ sẽ phải đối mặt một số sóng gió lớn trong thời gian tới.
Trong khi đó, lo ngại về một cuộc suy thoái ở Mỹ – nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, đã tăng lên sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell cho biết còn “rất sớm” để nghĩ đến việc tạm dừng tăng lãi suất.
Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cũng cảnh báo rằng kinh tế Anh có thể đã bước vào suy thoái và không tăng trưởng trong hai năm nữa.
Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ cũng chỉ ra những dấu hiệu về nhu cầu yếu hơn ở châu Âu và Mỹ với lượng người lái xe ít hơn – điều này có thể làm giảm nhu cầu đối với sản phẩm chưng cất.
Càng nhấn mạnh những lo ngại về nhu cầu là việc Saudi Arabia đã hạ giá bán chính thức (OSP) tháng 12/2022 cho loại dầu thô Arab Light hàng đầu của họ sang châu Á. Việc cắt giảm phù hợp với dự báo của các nguồn tin thương mại dựa trên triển vọng nhu cầu của Trung Quốc yếu hơn. Quốc gia tỷ dân này vẫn tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về phòng dịch Covid-19.
Giá dầu tuần trước đã trải nghiệm tuần tăng giá thứ 2 liên tiếp với dầu Brent tăng 2,9%, dầu WTI tăng gần 5%.
Sự leo dốc của dầu được cho là chịu tác động của sự không chắc chắn về việc tăng lãi suất trong tương lai của Fed, trong khi lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu của Nga ngày một cận kề, cùng khả năng Trung Quốc nới lỏng một số biện pháp hạn chế sự lây lan nhanh của Covid-19.
Mặc dù leo dốc sốc ở phút chót (tới 5%), nhưng trong tuần qua, giá dầu cũng đã có hai phiên lao dốc.
Kỳ vọng sản lượng của Mỹ có thể tăng cùng nguồn cầu giảm ở Trung Quốc đã đẩy giá dầu giảm khoảng 1 USD ngay phiên giao dịch đầu tuần. Đến phiên giao dịch thứ 4 của tuần, giá dầu giảm khoảng 2% khi Trung Quốc tiếp tục áp dụng chính sách “Zero Covid” và đồng USD mạnh.
Cũng trong tuần trước, giá dầu đã có một phiên “đồng điệu” với đồng bạc xanh. Ở phiên giao dịch thứ 3 của tuần, đồng USD mạnh lên sau khi Fed quyết định tăng lãi suất khủng 75 điểm cơ bản lần thứ 4 trong năm.
Dầu đang phải đối mặt với cả triển vọng kinh tế toàn cầu suy yếu và đồng USD tăng mạnh.
Trong tuần này, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) sẽ đưa ra triển vọng năng lượng trong ngắn hạn. Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ cũng sẽ được hé lộ. Các nhà đầu tư đang hóng những thông số quan trọng này để có cái nhìn sâu sắc về tốc độ lamj phát ở Mỹ và cũng để đoán định những bước đi tiếp theo của Fed để kiềm chế lạm phát vẫn ở mức cao ở nước này.