Sáng nay (5/3/2023) Cung Thiếu nhi Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu “Dấu son ngời”, kỷ niệm 77 năm Ngày ký Hiệp định sơ bộ Việt – Pháp (6/3/1946 – 6/3/2023), với mong muốn để thế hệ trẻ ngày nay được tìm hiểu những mốc son lưu dấu trong lịch sử cách mạng Việt Nam, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc.
Các khách mời tham dự chương trình là các nhà nghiên cứu lịch sử, các nhân chứng lịch sử, các nhà quản lý văn hóa, các nghệ sỹ, cựu đội viên đã sinh hoạt tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, như: PGS. TS Trần Đức Cường – Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam; Đại sứ Hoàng Vĩnh Thành – nguyên Đại sứ Việt Nam tại Australia, nguyên Chánh Văn phòng Bộ ngoại giao, con trai Cố Bộ trưởng Hoàng Minh Giám – người trợ lý cho Chủ tịch Hồ Chí Minh tại sự kiện ngày 6/3/1946; Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức – Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa – Xã hội (Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nguyên Đại biểu quốc hội khóa XI; NSƯT Hồng Kỳ; Nhà văn Lê Phương Liên – nguyên Trưởng ban Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam.
Đặc biệt chương trình còn có sự tham dự của các đồng chí nguyên Giám đốc, Phó Giám đốc và cán bộ Cung Thiếu nhi Hà Nội các thời kỳ, sinh viên và học sinh Thủ đô.
Bí thư Thành đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh khẳng định: 77 năm đã trôi qua, những bài học kinh nghiệm và ý nghĩa lịch sử to lớn của Hiệp định sơ bộ (6/3/1946) mãi còn nguyên giá trị và được các thế hệ thanh niên Việt Nam tiếp nối nhau viết nên trang sử vẻ vang của các thế hệ đi trước. Đó là truyền thống yêu nước nồng nàn, trung thành tuyệt đối với Đảng, gắn bó chặt chẽ với lợi ích dân tộc, với nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; truyền thống xung kích cách mạng, xung phong tình nguyện, sẵn sàng đón nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; truyền thống hiếu học, cần cù, sáng tạo; truyền thống đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau.
Vào hồi 16h30, tại số nhà 38 Lý Thái Tổ, bản Hiệp định sơ bộ được ký kết giữa một bên là Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt cho Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và một bên là Jean Sainteny, đại diện Chính phủ Pháp.
Theo Hiệp định sơ bộ, Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do nằm trong Khối liên hiệp Pháp. Nước Việt Nam có Chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng. Việc thống nhất đất nước sẽ được quyết định bằng trưng cầu ý dân. Chính phủ Việt Nam đồng ý để 15.000 quân Pháp vào thay quân Tưởng. Quân Pháp phải rút khỏi Việt Nam sau 5 năm, mỗi năm rút một phần năm. Quân đội hai bên ngừng bắn và ở nguyên vị trí. Hai bên sẽ mở cuộc đàm phán tại một trong ba nơi: Hà Nội, Sài Gòn hoặc Paris.
Tại chương trình, các nhà nghiên cứu, nhân chứng lịch sử, quản lý văn hóa, các nghệ sĩ, cựu đội viên từng sinh hoạt tại Cung Thiếu nhi Hà Nội đã tham gia giao lưu, chia sẻ về những mốc son trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Cùng với đó là nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc của Đoàn Nghệ thuật măng non do các em đang theo học tại Cung Thiếu nhi biểu diễn.
Đây là một chương trình có ý nghĩa, thể hiện tình cảm tri ân của thế hệ trẻ ngày nay đối với những đóng góp, hy sinh giành độc lập, tự do cho dân tộc của những thế hệ đi trước.
KIM CHUNG