Ăn cháo đá bát’ câu thành ngữ như lời chỉ trích những kẻ sống chỉ biết đến lợi ích của bản thân, vô ơn bội nghĩa với người đã giúp đỡ mình trong lúc khó khăn.
Trong cuộc sống, chúng ta tiếp xúc với rất nhiều người, nên khó tránh việc gặp mặt những kẻ “ăn cháo đá bát”. Đau lòng hơn nữa nếu đây chính là người chúng ta tin tưởng và yêu mến.
1. “Ăn cháo đá bát” là gì?
Bạn đã biết ẩm thực Việt Nam vô cùng phong phú, với đa dạng các món đặc sản ba miền: Bắc, Trung, Nam. Ấy thế mà, tại sao ông bà ta lại dùng món cháo trong câu thành ngữ này?
Cháo là món ăn dễ nấu, bình dân và chỉ cần một ít gạo thôi đã đủ một nồi to cho cả gia đình. Đây cũng là món nuôi lớn chúng ta từ thuở nhỏ, bởi cháo là món dễ ăn và giúp tiêu hóa nhanh chóng nhất.
Hơn thế nữa, đối với những gia đình nghèo khổ, cháo được xem là món ăn cứu đói qua ngày. Món cháo không cần cầu kỳ, chỉ cần ít muối hay một cục đường nhỏ cũng đủ ấm lòng.
Từ đó, để thấy được giá trị của một tô cháo không chỉ nằm ở mặt hình thức, mà nó chứa đựng tấm lòng và tình cảm bên trong. Mặc dù không phải cao lương mỹ vị nhưng lại nuôi dưỡng ta khôn lớn, bảo bọc lúc ta gặp phải khó khăn trong cuộc sống.
Thành ngữ “Ăn cháo đá bát” ám chỉ những kẻ khi đói được người khác cho tô cháo, nhưng sau khi no nê còn thẳng chân đá chiếc bát đi. Cũng giống một số thành phần trong xã hội, họ nhận được sự giúp đỡ và sau đó đáp trả bằng lòng phản bội.
Nói đến đây, có lẽ mỗi người đã có đáp án cho câu “Ăn cháo đá bát” nói đến điều gì?. Đúng vậy, thành ngữ này nhằm lên án những kẻ vong ơn bội nghĩa với người đã giúp mình vượt qua những lúc hoạn nạn. Thậm chí, “hạt cháo còn dính trên môi” mà đã vội ngoảnh mặt quay đi, làm ngơ trong lúc ân nhân của mình vướng phải khó khăn. Thậm chí còn có thể hãm hại sau lưng họ. 2. “Ăn cháo đá bát” và lối sống vô ơn trong xã hội
Ngày nay, chúng ta bị cuốn theo vòng xoáy tiền tài, danh lợi. Xã hội dần đặt giá trị vật chất lên hàng đầu và xem thường lối sống tình cảm, trọng nghĩa tình. Không khó để bắt gặp những câu như: “Điều gì không mua được bằng tiền, có thể mua được bằng rất nhiều tiền”
Câu nói ấy, tưởng chừng như vô hại. Nhưng, nếu được truyền bá rộng rãi, lâu dần thế hệ trẻ mai sau sẽ hình thành lối suy nghĩ lệch lạc. Từ đó đánh mất cách cư xử tốt đẹp giữa con người với con người cũng như giá trị đạo đức.
Chúng ta cũng không còn xa lạ trước những tình huống “khách hàng là thượng đế” ở những nơi như nhà hàng, khách sạn. Họ sẵn sàng dùng những lời lẽ chua cay với nhân viên nếu cảm thấy không hài lòng với chất lượng phục vụ.
Phải chăng những lời nói vô tâm ấy xuất phát từ sự vô ơn ngay trong ý thức mỗi người, mà có lẽ họ sẽ khó nhìn ra được khiếm khuyết của bản thân.
Thành ngữ “Ăn cháo đá bát” là lời phê phán cho những kẻ sống vô ơn bội nghĩa, cũng như lời khuyên để chúng ta đừng dẫm lên lối sống trái đạo đức của con người.
Cuộc sống vốn ngắn ngủi, mong rằng bạn và tôi hãy sống thật hạnh phúc, mang những điều tốt lành đến cho xã hội và trân trọng tình cảm của người xung quanh.